Sắp xếp hành chính cấp xã tại Thanh Hóa:​​​​​​​ Chỉ dấu cho sự phát triển bền vững

  • 13/08/2020 03:47:14
  • Nam Phương
  • Xã hội
  • 0

Không phải ngẫu nhiên tỉnh Thanh Hóa được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

 

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Thanh Hóa đã giúp phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

hành công  đến từ quyết tâm

Không phải ngẫu nhiên tỉnh Thanh Hóa được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết: Ngay khi có Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng và ý nghĩa, phải hoàn thành trong năm 2019 nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện.

Thanh Hóa có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã rất lớn. Qua rà soát, toàn tỉnh có 69 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số phải thực hiện sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đã hình thành “bộ mặt” đô thị tại nhiều địa bàn nông thôn, việc nhập các xã vào phường, thị trấn sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra: “Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 35%”.

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn thành 67 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp, tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 76 đơn vị, từ 635 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 559 đơn vị, gồm: 496 xã, 34 phường và 29 thị trấn.

Thanh Hóa phấn đấu đến trước ngày 1/12/2019 sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, hoàn thiện tổ chức bộ máy, bố trí ổn định công tác cán bộ tại các đơn vị hành chính cấp xã mới, đảm bảo đến tháng 3/2020 tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, hướng tới tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Mặc dù số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh trong diện sắp xếp lớn, khối lượng công việc nhiều, áp lực về tiến độ thời gian hoàn thành cao nhưng đến nay, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao; Đề án đã được HĐND tỉnh khóa XVII thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Ông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: “Với sự đồng thuận, thống nhất của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nên dù khối lượng công việc rất lớn nhưng việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo thực hiện đúng tiến độ”.

Không làm khó được xứ  Thanh

Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn lớn nhất trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là sắp xếp cán bộ dôi dư. Nhưng điều này đã không làm khó được Thanh Hóa.

Theo tổng hợp số liệu thống kê của các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh có 1.308 cán bộ, công chức cấp xã và 1.119 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho hay: “Với sự tham mưu của Sở Nội vụ, UBND tỉnh đưa ra một số giải pháp căn bản để giải quyết ổn thỏa vấn đề này: Bố trí, sắp xếp đến các đơn vị cấp xã còn thiếu; Tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã; Tuyển dụng làm công chức cấp huyện; Tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; Nghỉ hưu theo quy định; Đối với người hoạt động không chuyên trách dôi dư: Thực hiện tinh giản để bố trí đủ theo quy định”.

Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII cũng đã thông qua Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Ngoài ra, một số địa phương như thành phố Thanh Hóa, huyện Hậu Lộc... cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Với những cách làm trên, Thanh Hóa đảm bảo đến năm 2025, số lượng, chức danh cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh. Về hoạt động quản lý Nhà nước, việc này góp phần đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị thông qua việc nhập xã vào thị trấn và phường sẽ tạo tiền đề tổ chức, mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay chính quyền nông thôn, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa diễn ra trên địa bàn. Đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau khi sắp xếp có quy mô diện tích tự nhiên, dân số phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền cơ sở; tạo thuận lợi cho liên lạc và giao dịch hành chính của công dân. Với đội ngũ cán bộ, công chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về kinh tế - xã hội, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần làm tăng nguồn lực, quy mô nền kinh tế, hiệu quả đầu tư xã hội của các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp. Cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hành chính hình thành sau khi sắp xếp không có thay đổi bất lợi, cản trở tới quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng tới tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần giảm chi phí xây dựng công sở, mua sắm trang thiết bị; tổ chức bộ máy được tinh gọn, biên chế tinh giảm gúp tiết kiệm chi thường xuyên; các nguồn lực công này sẽ được tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế (dự kiến sẽ tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 137 tỷ đồng/năm).

Đối với văn hóa, xã hội và cuộc sống nhân dân, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số, hình thành đơn vị mới như giai đoạn trước đây nên ít xáo trộn đến đời sống dân cư, lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán địa phương; góp phần tăng nguồn lực, tiềm năng, hiệu quả đầu tư kinh tế của các địa phương, từ đó tạo điều kiện để đầu tư và phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm...

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số để hình thành đơn vị hành chính mới phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, đoàn kết, thống nhất nên thuận lợi cho công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, còn làm tăng quy mô, nguồn lực, hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội gắn phát triển kinh tế với tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, việc bố trí công an chính quy về xã, thị trấn trong thời gian tới góp phần củng cố, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Một điều đáng ghi nhận nữa là những tác động tích cực của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đối với cải cách hành chính và cung cấp dịch vụ công. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.

Sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc quản lý, điều hành đã và đang chuyển dần từ cơ học, thủ công sang chính quyền điện tử tạo điều kiện để các cơ quan sau khi sáp nhập tập trung các nguồn lực, đầu tư, quan tâm đến chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân theo hướng hiện đại, tại chỗ.

Thành công trong thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã sẽ là tiền đề, là chỉ dấu cho sự phát triển bền vững và một diện mạo mới của xứ Thanh.

Chú thích ảnh:

Ảnh 1- Một góc xã Yên Trường, huyện Yên Định – một trong những xã thuộc diện phải sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Ảnh 2 - Sơ đồ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Thanh Hóa

 

Bình luận

    Chưa có bình luận